15 Oct
2011

Doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm gần 1 triệu USD

Cập nhật lúc 15-10-2011 10:43 AM

Thanh tra 4 doanh nghiệp lớn tại Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phát hiện các doanh nghiệp này sử dụng hơn 700 phần mềm không bản quyền trị giá lên đến gần một triệu USD.

Cụ thể, đợt kiểm tra ngày 3/10 của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp cùng Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy cả 4 công ty bị thanh tra lần này đều là các doanh nghiệp lớn, thậm chí có vốn điều lệ hơn 200 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này đã sử dụng các sản phẩm phần mềm không bản quyền bao gồm: Adobe, Autodesk, Corel, Lạc Việt, Microsoft, Symantec và Tekla...

"Các doanh nghiệp này hoàn toàn có đủ khả năng để mua các phần mềm có bản quyền chính hãng. Luật pháp Việt Nam quy định hành vi vi phạm bản quyền phần mềm sẽ bị xử lý với mức phạt tối đa lên tới 500 triệu đồng", ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh phát biểu tại Hội thảo về Quản trị tài sản phầm mềm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam ngày 12/10.

 

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vi pạm bản quyền phần mềm. Ảnh minh họa: Kiên Cường.

Tương tự, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo từ năm 2011 cho đến nay đã thanh tra tại 50 doanh ngiệp thuộc 6 tỉnh, thành phố(chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội), tổng số máy tính được kiểm tra là gần 2000 máy.

"Hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp, chúng tôi đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu dừng sử dụng phần mềm bất hợp pháp, phải mua phần mềm máy tính máy tính có bản quyền hợp pháp để sử dụng. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các doanh nghiệp và phản ánh của các chủ sở hữu thì các doanh nghiệp đã mua các phần mềm trị giá gần 499.000 USD", ông Phúc cho biết.

Đánh giá của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính còn khá phổ biến, nó không chỉ ở những doanh nghiệp của Việt Nam (là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, kinh doanh còn nhiều khó khăn) mà rất nhiều doanh nghiệp liên doanh có vốn lớn và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn cố tình vi phạm.

Cục trưởng Cục bản quyền tác giả Vũ Mạnh Chu nhấn mạnh: “ Hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án".

Ông Chu cho biết, tại Mỹ đạo luật “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” do Nghị viện các Bang Washington và Luisiana (Mỹ) đã thông qua vào tháng 6/2011 để nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc sử dụng phần mềm không bản quyền đã gióng lên hồi chuông mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

'Đạo luật tạo ra một rào cản kỹ thuật mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bởi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt nam đa số là vừa và nhỏ, vì vậy chi phí bản quyền phần mềm sẽ chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp', ông Phúc phân tích.

Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối không đáp ứng được việc xuất trình giấy chứng nhận về bản quyền phần mềm sẽ có nguy cơ không thể xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may và dụng cụ thể thao.

Một hệ lụy khác khi doanh nghiệp sử dụng phần mềm không bản quyền là nguy cơ bị áp giá cao hơn. Ví dụ: giá bán một đôi giày trên thị trường Việt Nam là 100 đồng, giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 105 đồng, nếu tính toán trong trường hợp thông thường thì sẽ không bị kết luận là có phá giá.

Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra cộng thêm các chi phí bản quyền phần mềm cho các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là 10 đồng thì giá bán trên thị trường Việt Nam phải là 110 đồng, trong khi đó giá xuất khẩu vẫn là 105 đồng thì sẽ bị coi là có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là có bán phá giá với biên độ là 5 đồng hay 4,76%.

“Việc xâm phạm bản quyền nếu không sớm được giải quyết thì sẽ tạo ra một hình ảnh, ấn tượng xấu cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ nói riêng và thị trường thế giới nói chung', ông Phúc nói.

Theo báo cáo của BSA- Liên minh các nhà sản xuất phần mềm kinh doanh vào tháng 2/2011 thì trong năm 2010, trên 58 tỷ đô la là số tiền ước tính mà các hãng phần mềm trên thế giới bị thiệt hại do nạn vi phạm bản quyền gây ra, con số này có thể tăng thêm đến 14% trong năm 2011.

Nguồn: Vnexpress